"Mã đáo thành công" đã được tiếp nhận từ xa xưa, trở thành truyền thống, nó thể hiện một lời chúc, khát vọng về sự thành công khi năm Ngọ đến.
Bức tranh "Mã đáo thành công"
Đó là ý phân tích của nhà nghiên cứu Văn hóa Dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - Giảng viên Khoa Văn học - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Lý giải câu chúc "Mã đáo thành công"
“Mã” là ngựa, “Đáo”, giống như chữ đáo hạn hay đến hạn, dịch theo nghĩa khác là trở về, “Thành Công” nghĩa là thắng lợi, đạt được điều mong muốn. Dịch nôm na "Mã Đáo Thành Công" nghĩa là “ngựa quay trở về là thành công”.
Nguyên do dẫn đến thành ngữ trên: Ngày xưa, người Trung Hoa ở phương Bắc sinh sống trên các bình nguyên, đồng cỏ, nơi có rất nhiều ngựa hoang. Đến mùa xuân hàng năm, người ta thường thả ngựa nuôi (đã được thuần phục) để vào các cánh đồng, bình nguyên hay các khu rừng để có thể dụ được ngựa hoang kéo đàn về lại trang trại của mình.
Một khi thả ngựa nuôi ra, có nhiều khả năng xảy ra: hoặc ngựa mình đi mất không trở về (có thể bị thú dữ ăn thịt, có thể bị người ta bắt hay có thể nhập đàn với ngựa hoang đi luôn...) hoặc quay trở về và có thể dẫn theo ngựa hoang.
Vì vậy, vào mùa thu và mùa đông, nếu ngựa quay trở về có nghĩa mình đã thắng lợi trong việc vẫn giữ được ngựa, sau đó là có thêm ngựa nữa.
Ngoài ra, có cách lý giải khác: Ngày xưa, ngựa là phương tiện đi lại thuận lợi nhất vì ngựa chạy nhanh, khỏe và rất thông minh, rất gần gũi với con người. Chính vì vậy, ngựa được dùng làm phương tiện đi lại phổ biến nhất trong buôn bán và cả đánh giặc. Mỗi lần đi xa cả năm cả tháng mới quay về, hoặc đi đánh giặc thường xuyên gặp nguy hiểm, đi mười về một. Vì thế “mã đáo” có nghĩa là may mắn quay trở về.
Ở nước ta, câu “Mã đáo thành công” được nhắc nhiều đến sự kiện năm 1789, vua Quang Trung đánh tan quân Thanh. Để báo tin thắng trận, vua cho người mang một cành đào từ Thăng Long, cưỡi ngựa qua các trạm ngày đêm chuyển cành đào về cho công chúa Ngọc Hân mừng xuân, báo tin thắng trận. Đó cũng là “Mã đáo thành công”.
“Câu chúc phổ biến nhất năm Ngựa”
Ngựa là con vật trung thành, không những thế ngựa còn là hình ảnh của sự kiễn nhẫn, sự bền bỉ, lâu dài, may mắn. Nó đem lại nguồn tài lộc, sự phát đạt trong kinh doanh, sự nhanh nhạy và thăng tiến. Câu chúc “Mã đáo thành công” phù hợp với cả người làm kinh doanh, lẫn người chinh phục con đường quan lộ.
Đặc biệt trong kinh doanh, làm ăn: Đồng tiền bỏ ra làm ăn cũng giống như thả ngựa của mình ra vậy. Tiền đó ra đi, có thể bị mất luôn, hay quay trở về cùng thêm số tiền lời khác.
Bức tranh "Ngựa phi nước đại" thể hiện 8 con ngựa phi ra biển. Có ý nghĩa, ngựa tượng trưng cho hành hỏa trong ngũ hành, biển là nước nước tượng trưng cho hành thủy. Hỏa - thủy tương khắc. Ý nghĩa là mong có một ý chí vươn lên phi thường.
Bàn về câu chúc Tết này, nhà nghiên cứu Văn hóa Dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, biểu tượng văn hóa ngựa ở người Việt không đậm đà so với nhiều biểu tượng khác. Tuy nhiên thành ngữ Trung Hoa cổ truyền "Mã đáo thành công" đã được tiếp nhận từ xa xưa, trở thành truyền thống, nó phát ngôn một lời chúc, khát vọng về sự thành công khi năm Ngọ đến.
Theo ông, tiếp nhận một thành ngữ cũng như tiếp nhận một công thức toán học từ châu Âu, chỉ làm giàu cho văn hóa, cho trí tuệ của công đồng. Đóng kín văn hóa lại chỉ làm nghèo năng lực đất nước.
Ông Nguyễn Hùng Vĩ nói: “Mã đáo thành công là câu chúc phổ biến nhất, được nhiều người sử dụng. Còn hay nhất hay không là tùy từng người, trong việc này không ai có quyền nghĩ thay ai cả”.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho rằng, năm Giáp Ngọ 2014 có câu chúc rất đẹp là “Mã đáo thành công”. Ông cũng cho rằng câu thành ngữ trên hợp với năm Ngọ, chúc người ta được may nắm, đạt được điều mình mong muốn. Bởi câu chúc này gắn với tích “ngựa quay trở về mang tin thắng lợi, đạt được điều mong muốn”.
Ý nghĩa tranh Mã đáo thành công
Tranh Mã Đáo Thành Công là một món quà ý nghĩa, thường được mừng, tặng trong các dịp: khai trương … mang ý nghĩa may mắn, thành công.
Bức tranh có chủ đề phổ biến nhất là Mã Đáo Thành Công thể hiện một bầy ngựa có tám con đang phi nước đại gió bụi mịt mù. Sở dĩ bức tranh có tám con ngựa bởi vì số 8 "Bát" đọc theo âm Hán, gần giống “Phát”. Con số 8 cũng là một con số may mắn của người Trung Quốc, tượng trưng cho sự giàu có và thành công.
Bình thường tám con ngựa chạy đều cùng một hướng, đó là ý nghĩa nguyên thủy của các tranh thời xưa: "mạnh dạn dồn hết nhiệt huyết, tiến về một hướng để đạt mục đích". Ngày nay, tranh Mã Đáo Thành Công được vẽ thêm chi tiết khác bình thường. Đó là có một con trong bầy quay đầu lại là điểm nhấn cho bức tranh thêm sống động. Con quay đầu thường ở vị trí giữa thứ tư hoặc thứ năm hay con đầu đàn, không khi nào là con cuối đàn. Hành động quay đầu lại được cho là khuyến khích hay cổ vũ đồng đội tiến lên để đạt mục đích.
Bên cạnh đó, hai bức tranh ngựa nổi tiếng: Ngựa phi nước đại hoặc Ngựa phi trên đồng cỏ cũng được nhiều người lựa chọn làm quà, hoặc treo trong nhà cầu sự may mắn.
st
No comments:
Post a Comment